Vùng biển phát sáng ban đêm, xoáy nước băng, thủy triều đỏ là những hiện tượng lạ từng xuất hiện trên đại dương trong những năm qua.
|
Tại các khu vực Bắc Cực và Nam Cực, người ta đôi khi gặp những tảng băng có sọc với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, xanh hoặc đen trôi dạt trên biển. Đây là do quá trình đóng băng nước biển và các tạp chất bẩn khác từ trong đất liền, khiến các núi băng có những lớp màu khác nhau. Một phần của núi băng sau đó tách ra và rơi xuống biển, tạo thành khối băng có sọc nhiều màu sắc trên biển. Ảnh: toptenz |
|
Xoáy nước là một hiện tượng hiếm trên đại dương, nhưng gây nguy hiểm lớn cho thuyền bè. Nhà văn Edgar Allan Poe lần đầu tiên nhắc đến hiện tượng này năm 1841, khi nó xuất hiện ngoài khơi Na Uy. Xoáy nước có sức mạnh hủy diệt và hút mọi vật xuống nước. Một số người cho rằng, xoáy nước là kết quả của một dòng nước di chuyển nhanh gặp một dòng nước khác đi theo hướng ngược lại (thường do thủy triều đại dương gây ra). Tuy nhiên, đến nay khoa học vẫn chưa đưa ra lời giải thích xác đáng cho hiện tượng kỳ lạ và nguy hiểm này. Ảnh: toptenz |
|
Thủy triều đỏ là hiện tượng tảo biển phát triển mạnh và thường xảy ra ở cửa sông, mặt biển. Tảo biển sau đó nhanh chóng tích tụ gần các bờ biển. Đây là hiện tượng khá đẹp, nhưng gây hại cho các sinh vật sống và con người. Nhiều thành phần độc tố trong thủy triều đỏ có khả năng gây tê liệt hệ thần kinh rất mạnh. Ví dụ như đợt thủy triều đỏ bùng phát năm 2005 tại vùng New England, Mỹ đã giết một con lợn biển dọc theo bờ biển bang Florida. Ngoài ra, thủy triều đỏ còn khiến ngành công nghiệp chế biến sò của New England thiệt hại hàng triệu USD. Ảnh: toptenz |
|
Xoáy nước băng là hiện tượng hiếm và xuất hiện ở các vùng biển đóng băng bề mặt. Hiện tượng này hình thành khi một dòng nước mạnh kết hợp với muối tạo ra cột nước tương tự như cột băng. Nhà hải dương học Seelye Martin công bố nó lần đầu tiên vào năm 1974. Năm 2011, các nhà quay phim của đài BBC lần đầu tiên quay được hiện tượng này ở vùng biển Nam Cực. Do nồng độ muối cao, xoáy nước băng làm nhiều sao biển chết khi nó đi qua. Ảnh: toptenz |
|
Từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm, những con sóng dài nhất thế giới sẽ xuất hiện tại cửa sông Amazon ở Brazil. Nguyên nhân là do nước biển Đại Tây Dương dâng cao, tràn vào sông Amazon, khi gặp cửa sông sẽ tạo thành những con sóng cao đến 6 mét và kéo dài tới nửa giờ. Theo tiếng địa phương, những con sóng này được gọi là Pororoca. Các con sóng đó lao đi với vận tốc 25 km/h tạo nên những tiếng ầm kéo dài 30 phút trước khi chúng xô vào bờ. Khi tới bờ, Pororoca có thể đi sâu vào đất liền hàng km và vô cùng nguy hiểm. Nó có thể quét sạch bất kể thứ gì trên đường đi - từ nhà cửa, cây cối đến động vật. Ảnh: toptenz |
|
Hoa băng (Frost flower) là hiện tượng kỳ lạ và đẹp mắt nhưng chỉ ít người biết. Đây là những bông hoa băng xuất hiện trên các biển băng. Chúng chỉ hình thành trong điều kiện lạnh giá và ít gió. Những tinh thể băng có đường kính 4 cm và thường có hình dạng của một bông hoa. Do hình thành từ nước biển, các bông hoa băng có hàm lượng muối cao. Ảnh: toptenz |
|
Sóng độc (Rogue Wave hay còn gọi là sóng sát thủ) là một loại sóng xuất hiện bất ngờ và đơn độc trên biển với kích thước khổng lồ, chiều cao có thể hơn 20 - 30 mét. Với chiều cao này, sóng độc trở thành mối hiểm họa không thể lường trước ngay cả với những tàu biển có trọng tải lớn. Trong một thời gian dài, người ta không tin vào sóng độc và cho đó là điều ảo tưởng, do sự xuất hiện của nó không nằm trong một quy luật sóng biển nào. Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu mới đây trong phạm vi dự án MaxWave đã ghi nhận được trong vòng 3 tuần, 10 ngọn sóng độc với chiều cao hơn 25 mét xuất hiện trên các đại dương. Những phát hiện này khiến các nhà khoa học phải có sự nhìn nhận lại về nguyên nhân đắm của những con tàu vận tải biển khổng lồ trong 2 thập kỷ trước. Ảnh: toptenz |
|
Khi đến tỉnh Skagen, Đan Mạch, bạn sẽ nhìn thấy một hiện tượng vô cùng kỳ thú. Tại đây, hai dòng thủy triều của Biển Bắc và Biển Baltic sẽ gặp nhau. Người dân có thể nhìn thấy rõ hiện tượng này do chúng có màu sắc đậm, nhạt khác nhau. Hai dòng thủy triều đối đầu, nhưng không bao giờ hòa làm một bởi chúng có mật độ và tỷ trọng khác nhau. Ảnh: toptenz |
|
Phát quang sinh học là một trong những hiện tượng ấn tượng và đẹp mắt nhất xuất hiện trên các bãi biển. Hiện tượng này xuất hiện khi ánh sáng phát ra từ một sinh vật sống kết hợp với oxy trong không khí gây ra các phản ứng hóa học. Hiện tượng này có thể khiến mặt nước trên biển có ánh sáng lung linh và tuyệt đẹp. Tự nhiên có rất nhiều loài thực vật phù du có khả năng phát quang sinh học. Loài có khả năng phát quang phổ biến nhất, sinh sống trên các đại dương là “dinoflagellate”, loài tảo gây ra hiện tượng thủy triều đỏ. Ảnh: toptenz |
|
Ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, sát gần bờ biển Somalia, một vùng biển phát sáng vào ban đêm và làm cho cả một vùng trời bên trên biển ngập tràn trong ánh sáng màu trắng sữa. Vùng biển này có chiều dài trên 250 km, rộng trung bình 50-70 km và mang tên Biển Sữa (Milky Sea). Các vệ tinh nhân tạo đã chụp nhiều bức ảnh về Biển Sữa phát sáng trong đêm. Nguyên nhân của sự phát sáng này có liên quan đến một loài tảo phát quang thuộc họ ‘bioluminescent dinoflagellate’. Chúng sống thành bầy đàn với mật độ dân số rất cao, phát triển cực mạnh về đêm. Năm 1985, một con tàu nghiên cứu khoa học về biển và đại dương đã lấy mẫu nước ở Biển Sữa để phân tích. Theo các nhà khoa học, loài tảo phát quang sống ở Biển Sữa có tên khoa học Vibrio harveyi. Ảnh: toptenz |
Bình An
Comments[ 0 ]
Post a Comment