Ngày 17/1/2014, Bộ Y tế Trung Quốc chính thức thông báo với WHO: cúm A/H10N8 đã được phát hiện lần đầu tiên trên người ở một bệnh nhân nữ 73 tuổi viêm phổi nặng. Bệnh nhân này sống ở tỉnh Giang Tây với tiền sử bệnh mạch vành, tăng huyết áp và rối loạn thần kinh cơ.
Những thông tin ban đầu Trước khi bệnh khởi phát 4 ngày, bệnh nhân này có đến một chợ gia cầm sống và mua một con gà. Bệnh nhân nhập viện ngày 30/12/2013 và tử vong sau đó 6 ngày. Trường hợp thứ hai được thông
báo ngày 29/1/2014, virut cúm A/H10N8 được tìm thấy trên một bệnh nhân nữ 55 tuổi, bị viêm phổi nặng, đang trong giai đoạn ổn định và cũng đến từ tỉnh Giang Tây - Trung Quốc.
Cô cũng đã đến một chợ gia cầm sống ở địa phương hôm 4/1 nhưng không có bất kỳ tiếp xúc hay mối liên hệ nào với bệnh nhân nữ đã tử vong được thông báo trước đó. Đến nay, WHO chỉ đưa ra những khuyến cáo chung như tránh tiếp xúc với gia cầm bị bệnh và chết, tránh để trẻ em tiếp xúc gia cầm, tránh chạm vào bề mặt đã bị nhiễm phân hoặc máu gia cầm, không ăn thịt gia cầm chưa nấu chín, che miệng mũi khi ho và hắt hơi... Ngoài ra, không có khuyến cáo nào về đi lại, sàng lọc nhập cảnh hay việc tiêu thụ các sản phẩm từ gia cầm. Tuy nhiên, cần đặc biệt theo dõi chặt các thông tin cũng như phối hợp với thú y để truy tìm nguồn gốc virut gây bệnh.
Tránh tiếp xúc với gia cầm sống để phòng lây nhiễm virut H10N8.
Mối đe dọa của cúm A/H10N8 Virut cúm A thuộc họ Orthomyxoviridae. Dựa vào tính chất kháng nguyên của các hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA) glycoprotein, virut cúm A được phân loại thành 17HA và 10NA phân nhóm. Hầu hết các phân nhóm virut cúm A đã được tìm thấy ở các loài thủy cầm, trong đó có các hồ chứa tự nhiên của virut cúm A. Bộ gen hoàn chỉnh của virut cúm A/H10N8 phân lập từ một con vịt ở chợ gia cầm sống tại tỉnh Quảng Đông được phân tích đầy đủ bởi một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc vào tháng giêng năm 2012 và đăng kết quả trên tạp chí của Hiệp hội vi sinh vật Mỹ tháng 4/2012.
Trước đó, vào năm 2007, H10N8 đã được phân lập từ mẫu nước lấy từ hồ Động Đình, tỉnh Hồ Nam nằm giáp với tỉnh Quảng Đông và Giang Tây. Một nhóm nghiên cứu đứng đầu là Yuelong Shu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc đã đăng kết quả nghiên cứu “Đặc điểm lâm sàng và dịch tễ học của một trường hợp tử vong do nhiễm virut
cúm gia cầm A/H10N8” trên tạp chí Lancet 5/2/2014. Nghiên cứu chỉ ra có sự tương đồng giữa H10N8 và H7N9 với
H5N1, đây là virut lây từ gia cầm sang người, gây viêm phổi nặng dẫn đến tử vong ở người và cho đến nay chưa phát hiện có lây từ người sang người. Khác với H5N1 có thể gây dịch bệnh trên gia cầm, chưa có một báo cáo nào về dịch bệnh do H10N8 trên gia cầm có nghĩa là H10N8 có thể lặng lẽ lây lan trong đàn gia cầm. Mặc dù chưa lây từ người sang người nhưng các nhà khoa học trong nghiên cứu này cũng cảnh báo: “Không nên đánh giá thấp khả năng đại dịch do virut cúm mới này”.
Nghiên cứu đăng trên Lancet cũng cho biết, H10N8 có sự tương đồng bộ gen với H9N2, đây là virut cúm gia cầm xảy ra ở Hồng Kông năm 1999 và cũng góp phần lớn trong bộ gen virut cúm A/H5N1 và H7N9 đang gây bệnh dịch nguy hiểm hiện nay. H7N9 nổi lên từ năm ngoái, dẫn đến 159 ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc, trong đó có 71 trường hợp tử vong. H5N1 lần đầu tiên xảy ra ở Hồng Kông vào năm 1997, đã gây ra 648 trường hợp nhiễm với 384 người tử vong kể từ năm 2003. H10N8 có những sự đột biến trong bộ gen giúp nó thích ứng với động vật có vú và cho phép nó bám sâu vào các tế bào khác ở sâu trong phổi giống như H5N1 chứ không chỉ là xâm nhập đường hô hấp trên.
Trong nghiên cứu cũng chỉ ra mẫu virut H10N8 vẫn có thể bị ức chế với thuốc kháng virut tamiflu. Vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra trong nghiên cứu này chưa có lời giải. Trong trường hợp bệnh nhân đầu tiên, bà đã mua một con gà sống nhưng không trực tiếp làm thịt và cũng không phát hiện được virut H10N8 trên gia cầm tại chợ, xét nghiệm trên những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân cũng không phát hiện ai mắc bệnh, phải chăng bà đã bị nhiễm virut từ trước đó và bà cũng là mục tiêu dễ dàng cho virut tấn công vì sức khỏe yếu. Việc xuất hiện bệnh nhân nhiễm H10N8 thứ hai cũng đặt ra “mối quan tâm lớn”.
Đồng tác giả Mingbin Liu nói: “Điều này cho thấy virut H10N8 đã tiếp tục lưu hành và có thể gây nhiễm nhiều hơn cho con người trong tương lai”. Trong một bình luận khác, tạp chí Lancet cho biết, tuy chưa có bằng chứng sự lây nhiễm từ người sang người nhưng không vì thế mà chủ quan. “Chúng ta sẽ không biết rõ số trường hợp nhiễm virut cúm gia cầm A/H10N8 sẽ tăng lên, vì chúng ta không biết các virut đang lưu hành trong gia cầm rộng rãi ở mức độ nào”. “Nhiều giám sát sẽ là cần thiết để đưa ra nguồn gốc của H10N8 và theo dõi các khả năng lây truyền trong tương lai”.
Theo BS. Vũ Hoài Nam (Sức khỏe & Đời sống)
Comments[ 0 ]
Post a Comment