Giới chuyên gia Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa và đã đạt được khả năng làm giàu uranium mới.
Tên lửa Unha-3 được phóng hồi tháng 12.2012 - Ảnh: AFP |
Ngày 24.9
, Yonhap dẫn lời một số chuyên gia Mỹ suy đoán CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị đợt thử tên lửa mới. Nhận định này dựa trên một số dấu hiệu mới, bao gồm sự xuất hiện trở lại của ông Pak To-chun, quan chức cấp cao Triều Tiên phụ trách về phát triển
tên lửa và hạt nhân. Ông Pak bị cho là vắng mặt bất thường trong các sự kiện lớn ở Triều Tiên từ tháng 5, dẫn đến đồn đoán ông bị kỷ luật vì để xảy ra một số trục trặc trong chương trình tên lửa. Tuy nhiên, gần đây, hình ảnh và thông tin liên quan đến ông Pak lại được truyền thông Triều Tiên đăng tải. “Nếu như sự biến mất của ông Pak xuất phát từ vấn đề kỹ thuật của chương trình tên lửa như đồn đoán thì sự trở lại vừa qua cho thấy trục trặc đã được khắc phục và Triều Tiên có thể sẵn sàng cho đợt
thử tên lửa mới, sớm nhất là trước cuối năm nay”, Yonhap dẫn lời chuyên gia Alexandre Mansourov nói. Ngoài ra, một viện nghiên cứu thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) ngày 23.9 tuyên bố những hình ảnh mới từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên vừa thử một động cơ tên lửa tầm xa hồi cuối tháng 8, theo AFP.
Bên cạnh đó, Kyodo News dẫn lời 2 chuyên gia hạt nhân Joshua Pollack và Scott Kemp đánh giá Triều Tiên đạt được khả năng sản xuất những bộ phận cần thiết cho máy ly tâm được dùng làm giàu uranium. Hai ông còn tin rằng Bình Nhưỡng đã có thể sản xuất uranium hexafluoride, một loại khí được làm giàu trong hệ thống máy ly tâm. Cách đây gần 2 tuần, Đại học Johns Hopkins còn ra báo cáo nói Triều Tiên đã tái khởi động một lò phản ứng có thể sản xuất plutonium cấp độ chế tạo vũ khí tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Hồi tháng 2.2012, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công hạt nhân lần 3 theo sau đợt phóng tên lửa mang vệ tinh Unha-3 cuối năm ngoái. Những động thái này dẫn đến một nghị quyết trừng phạt mới của HĐBA LHQ và kéo theo một giai đoạn vô cùng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đến nay, tình hình có vẻ dịu bớt nhưng Trung Quốc, đồng minh lớn của Triều Tiên, dường như cũng tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề hạt nhân. Ngày 23.9, Bắc Kinh bắt đầu cấm xuất khẩu sang láng giềng những công nghệ, mặt hàng có thể được dùng để chế tạo tên lửa, vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân, theo AFP.
Văn Khoa
Comments[ 0 ]
Post a Comment